Làm thương hiệu - Chi bây?

Bài trước tui cũng đã chép lại cái định nghĩa Thương hiệu cho bà con cô bác đọc chơi rồi. Bài này, tui nhắc đến cái câu hỏi, mà ngu ngơ ngờ nghệch cũng phải nghi ngờ... "Làm thương hiệu, chi dzảy bây?"

Thị trường, chao ôi mà nói, khó khăn! Này thì cạnh tranh, này thì công nghệ phát triển, rồi thích khách hàng thông minh, với cả hội nhập thời mở cửa... tùm lum tá lả búa lua xua! Khách hàng thậm chí còn có thể ngồi mòn m*ng một chỗ mà vẫn mua hàng được. Khách hàng có thể đi lựa, đi so sánh, chuyện hiểu thông số giờ là chuyện nhỏ, đừng có hòng mà lừa được các vị ấy... Tá lả tùm lum. Thế thì, làm sao bán được hàng đây? Tất yếu, phải tạo sự ghi nhớ, ghi nhớ sâu đậm về thương hiệu trong trí họ mà thôi à. Nhớ - tin - một cách tích cực về thương hiệu, chính là cách mà khách hàng lựa chọn sản phẩm.

Ấy chính là cái đích mà "Xây dựng thương hiệu" phải đạt tới.
 Thông qua việc xây dựng thương hiệu, cũng như các chiến lịch marketing lôi kéo – phát triển – duy trì mức độ nhận biết thương hiệu, khách hàng trực tiếp là một phần của cuộc chơi thương hiệu. Việc phản hồi như thế nào, ở mức độ nhận biết nào… sẽ là cơ sở để biết được thương hiệu đó có thực sự hiệu quả hay không, và có hỗ trợ cho việc bán hàng, đem lại doanh thu hay không.

Khách hàng ngày nay không chỉ quyết định mua sản phẩm dựa trên công năng sản phẩm, chi phí sử dụng, lợi ích nhận được… mà còn quyết định dựa trên niềm tin của họ vào sản phẩm đó. Đó là những giá trị cảm nhận mà sản phẩm mang lại dựa trên những gì mà thương hiệu đã xây dựng trước công chúng.
Có thể nói, thương hiệu cũng là một phần giá trị phụ thêm (added value) mà khách hàng mong muốn nhận được. Mỗi thương hiệu được khách hàng ghi nhớ và thừa nhận thành công, sẽ tạo ra một tiến trình ảnh hưởng mới đối với các khách hàng khác.


Tại sao có người bằng mọi giá phải có được em iPhone dù em ấy khá kén thiết bị tương thích? Tại sao có người lại sẵn sàng mua xe hơi hiệu này hiệu nọ, dù giá cả có trên trời và phụ phí sau khi mua cũng không hề nhẹ nhàng như áng mây trôi? Tại sao các quý cô thích mua ý phục của các nhãn hiệu to đùng, còn các quý ông chuộng những đồng hồ, những giày, những nịt... hàng hiệu đắt giá? Đâu phải chỉ vì mua để xài không thôi, mua để xài thì cái nokia cục gạch, xe hơi tèng tèng, quần áo chợ Đầu Mối, đồng hồ bán vỉa hè... cũng xài được mà? 

E hèm! Đó là sức mạnh của thương hiệu. Trong thực tế, nhiều thương hiệu được xem là đại diện của một giai tầng xã hội, một lối sống, hay dành cho một nhóm người có cùng đặc điểm nào đó. Kỳ thực, ban đầu, người ta có cái định nghĩa gì là "hàng của giai cấp" trong đầu đâu? Thương hiệu cứ làm hoài thì khách hàng nghĩ i xì xì thế thôi. Ghê gớm, chứ chẳng chơi.

Với các thương hiệu được định vị dựa theo giá trị cốt lõi của sản phẩm, lại mang đến cho người tiêu dùng những giá trị cảm nhận và niềm tin rõ ràng hơn về những giá trị đó, ví dụ như, sản phẩm sạch – an toàn – tinh khiết, bền, đẹp…. Điều này giúp người tiêu dùng định hướng mua hàng theo những giá trị về chất lượng mà họ muốn nhận được.

Cũng nhờ thương hiệu định vị rõ ràng, mà các hoạt động khách sẽ dễ dàng có định hướng hơn. Định vị RẺ, thì làm sao cho giá phù hợp, chất lượng vượt trội. Định vị SANG, thì rõ ràng khâu thiết kết phải phù hợp, phải sang chảnh thế nào đó mà cho thiệt là thu hút. Định vị SẠCH, thì không thể nhếch nhác và lôi thôi. Định vị DOANH NHÂN THÀNH ĐẠT, thì có lý nào lại nhí nhố và nhoi nhoi như con lăng quăng trong vũng nước? Định giá thế nào, phân phối ở đâu, hoàn thiện sản phẩm những gì, trưng bày ra sao, quảng cáo thế nào, nhân viên văn hóa làm sao... tất cả phải bật lên được cái tinh thần thương hiệu, phải thể hiện được nét tính cách của thương hiệu, phải đồng bộ và nhịp nhàng với nhau! Có như vậy, thương hiệu mới phát huy hết cái khả năng chi phối thị trường và tác động khách hàng, đem lại doanh thu cho doanh nghiệp được.

Xét cho cùng, chúng ta làm gì trong kinh doanh, cũng nên quy về tính hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận. Đó âu cũng là cái mục đích tuyệt đối cuối cùng - sau hết! Người kinh doanh ngày nay, nào đâu có cần phải tuyệt đối nhất nhất định giá trên chi phí và lợi nhuận mong muốn nữa! Mà hoàn toàn có thể tìm ra mức mà khách hàng sẵn sàng chi trả để mà định, mà thu, mà chém, mà để khách hàng tự nguyện móc hầu bao. Khách hàng, dựa vào niềm tin mà thương hiệu mang đến, rồi cứ thế mà trả, mà chi, mà ưng ý và vừa lòng. Thế thôi.... Sức mạnh của thương hiệu mà, sức mạnh của vô hình, lớn cỡ nào, sao mà khách hàng định lượng được? Chỉ tin, yêu theo cảm xúc, và sử dụng dựa vào lý trí của niềm tin mà thôi...

Xây dựng thương hiệu, quan trọng lắm à, không giỡn đâu...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét